Hơn 50 năm tồn tại và phát triển, đàn Ba Đờn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cho giới chơi đàn ở Sài Gòn, đến nay nghệ nhân Ba Đờn không chỉ truyền nghề cho con cháu mà còn tạo công ăn việc làm cho họ.
Con phố Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) là địa điểm bán đàn guitar sầm uất nhất của Sài Gòn. Phần lớn đàn bán tại đây đều có nguồn gốc từ cơ sở Ba Đờn, xưởng sản xuất nổi tiếng ở TP.HCM từ trước năm 1975.
Hiện nay, xưởng đàn Ba Đờn là một trong hai cơ sở cuối cùng của làng nghề làm đàn thủ công truyền thống tồn tại hơn nửa thế kỷ trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM. Do nhu cầu phát triển và mở rộng quy mô sản xuất nên cơ sở chuyển xuống huyện Bình Chánh và lấy tên mới là Trạng Kiều.
Anh Nguyễn Văn Trạng (con trai nghệ nhân Ba Đờn), chủ cơ sở sản xuất đàn Ba Đờn – Trạng Kiều, bộc bạch: “Làm đàn là nghề cha truyền con nối, không phải ai muốn làm cũng được, thời cha tôi truyền nghề lại cho tôi và các anh em nên chúng tôi phải cố gắng giữ lấy nghề để truyền lại cho con cháu sau này, mong sao phát triển thương hiệu đàn Ba Đờn lớn mạnh hơn.”
Để tạo nên một cây đàn hoàn chỉnh gồm các bước như chuẩn bị nguyên liệu, tạo khung đàn, làm thùng đàn, ráp vỏ trước và vỏ sau, công đoạn gắn cần đàn. Sau khi gắn vào thùng, phần giao giữa cần đàn và thân cần được gọt, giũa kỹ bằng máy. Lên phím và gắn dây đàn để hoàn thiện sản phẩm.
Trong đó, công đoạn làm thùng nhạc rất quan trọng, âm thanh phát ra có hay không là do thùng đàn và chất liệu gỗ tạo nên cây đàn.
Bí quyết để tạo nên những chiếc đàn chất lượng và âm thanh tuyệt hảo thì người nghệ nhân cần sự cần mẫn, tỉ mỉ, nghiêm túc trong công việc.
“Sản phẩm của chúng tôi là hàng thô (chưa sơn, chưa lên dây đàn) cung cấp cho các cơ sở gia công khác hoặc cho các cửa hàng làm đàn để họ hoàn thiện sản phẩm,” anh Trạng cho biết thêm.
Mỗi tháng, xưởng làm đàn Ba Đờn – Trạng Kiều xuất ra thị trường hơn 1.000 chiếc đàn guitar.
Ông Phạm Văn Phước (họ hàng với ông Ba Đờn) tâm sự: “Tôi theo cha tôi làm nghề từ lúc 15 tuổi, hồi xưa khu này có khoảng 20 hộ làm đàn nhưng bây giờ mua gỗ nguyên liệu để làm đàn rất khan hiếm nên nhiều người bỏ nghề, giờ khu này chỉ còn mình tôi làm đàn thôi”
Bà Hồng, cũng gắng bó với nghề làm đàn từ lúc lập gia đình với ông Phước.
Hải – con trai ông Phước, theo nghiệp cha từ lúc 15 tuổi với mong ước được nối nghiệp cha để phát triển nghề này lâu dài hơn.
Anh Trạng cho biết bây giờ nhiều người bỏ nghề vì mua gỗ nguyên liệu để làm đàn rất hiếm, hiện tại cơ sở của anh nhập gỗ trong nước ở các tỉnh Đắc Lắk, Đắc Nông và một số loại đàn cao cấp phải nhập gỗ nguyên liệu từ Canada, Mỹ giá thành rất cao.
Thị trường tiêu thụ đàn lớn nhất vẫn là TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Tây, giá thành mỗi chiếc đàn dao động từ 500.000 đồng đến vài chục triệu đồng tùy vào chất lượng và mẫu mã.
Anh Việt một công nhân tại xưởng đàn của Ba Đờn – Trạng Kiều chia sẻ, công việc này cần phải có mắt thẩm mỹ để tạo nên những cây đàn sắc xảo, công việc này mang đến thu nhập cho anh khoảng 6 triệu đồng/tháng.
“Bây giờ có nhiều loại đàn nhập giá rẻ nên việc kinh doanh cũng chậm hơn trước, nhưng đàn của gia đình tôi đã có thương hiệu và nhiều khách hàng vẫn đặt hàng và giới thiệu người chơi đàn mua sản phẩm của chúng tôi”, anh Trạng bộc bạch.
Minh Thanh
Báo Phụ Nữ