Chưa đặt tên 2

Trong cuốn “Những làng nghề thủ công truyền thống ở Tp. Hồ Chí Minh”, ông Trần Văn Sô được coi là người đã khai sinh ra làng nghề làm đàn truyền thống của Tp.HCM. Ông Sô sinh năm 1928 ở Nam Định, sau di cư vào Sài Gòn làm nghề mộc ở khu vực Tôn Đản, quận 4. Khoảng năm 1950, ông chuyển hẳn sang nghề chế tạo đàn guitar, đào tạo nhiều thợ làm đàn lành nghề nên trở thành làng nghề. Lúc đầu, các cố đạo, lính viễn chinh Pháp thường mang những cây đàn bị hỏng đến cho thợ người Việt có nghề mộc sửa chữa. 
Đàn guitar thời gian này còn hiếm, chỉ có thể đặt mua từ nước ngoài chuyển về nên phải chịu giá rất đắt. Người chơi đàn muốn có một cây để dùng mà không mua đàn được đã phải tự mày mò học, mua đàn cũ, hỏng, rồi tháo từng bộ phận để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Từ đây, họ tự học hỏi lẫn nhau rồi biết sản xuất và sửa chữa đàn.
 
 

Làm cần đàn là một trong những công đoạn phức tạp cần độ chính xác cao.


Công đoạn uốn cong mặt hông của đàn đòi hỏi thợ lành nghề nhiều kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Trân, biệt danh “Ba Đờn” – người có thâm niên và là chủ của dòng họ hiện có ba đời theo nghề làm đàn, đang kiểm tra chất lượng của một lô hàng tại cơ sở Trạng Kiều.



Đàn guitar thương hiệu “Ba Đờn” trong một cửa hiệu ở phố đàn Nguyễn Thiện Thuật, Tp.HCM.

Nhắc đến nghề làm đàn ở Tôn Đản, quận 4, không ai không biết danh ông Ba Đờn (tên “đờn” là cách gọi “đàn” của người miền Nam) – tên thật là Nguyễn Văn Trân, sinh năm 1947. Chính tên Ba Đờn của ông là một thương hiệu đàn guitar nổi tiếng được khách hàng khắp nơi biết đến. Trong con hẻm nhỏ ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, ba đời gia đình ông Ba Đờn đã làm nghề đàn suốt nửa thế kỷ qua. Ông cho biết, cha ông trước gốc ở Bến Tre, lên thành phố lập nghiệp và gia nhập làng nghề từ những năm 60 của thế kỷ trước. 
Hiện tại, 7 người con của ông – 5 trai và 2 gái, thì cả 7 người đều theo nghề gia truyền này. Sau bao nhiêu năm mở cơ sở làm đàn tại nhà, ông Ba Đờn đã chuyển đến cơ sở sản xuất mới trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh. Cơ sở này có tên Trạng Kiều, hiện ông giao cho người con trai thứ hai là anh Nguyễn Văn Trạng quản lý. Vợ anh Trạng, chị Phạm Thị Thanh Kiều, là thợ làm đàn lành nghề, cũng sinh ra trong một gia đình làm nghề đàn truyền thống ở quận 4. Anh Trạng cho biết, nhu cầu chơi đàn đang ngày càng phổ biến, nhất là giới trẻ, sinh viên, học sinh. Với khoảng 20 thợ làm việc thường xuyên, cơ sở Trạng Kiều sản xuất được khoảng 100 cây đàn/ngày. Theo anh Trạng như vậy là không đủ cho nhu cầu hiện tại nên anh đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, đào tạo thêm đội ngũ thợ để sản phẩm làm ra ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng. 
Đến thăm cơ sở làm đàn Trạng Kiều, chúng tôi được chứng kiến đầy đủ các công đoạn trước khi tạo ra một cây đàn hoàn chỉnh. Quá trình sản xuất đàn ở đây bao gồm khoảng chục công đoạn: đóng hông, vào mặt (trước và sau), dán chỉ viền, ráp cần… Khâu cuối cùng là vào dây đàn. Sau khi dán xong một bộ phận, phải dùng dây buộc lại, phơi nắng chờ keo khô rồi mới tiếp tục công đoạn khác. Khó nhất và quan trọng nhất là đóng thùng đàn. Đàn tốt hay xấu, giá cao hay thấp phụ thuộc vào âm thanh; âm thanh tốt là do thùng đàn. Vì vậy, thợ đóng thùng đàn phải là người giỏi nhất, khéo tay nhất của cơ sở. Trong các công đoạn sản xuất, trừ khâu làm cần và sơn là có sử dụng máy móc, còn tất cả các công đoạn khác đều làm bằng tay và cần độ chính xác rất cao.
Nguyên liệu làm đàn gồm nhiều loại gỗ, mỗi loại gỗ sử dụng cho một bộ phận khác nhau của cây đàn. Nhưng quan trọng nhất là hai loại gỗ thông và hồng đào dùng để làm mặt trước, sau và hông đàn. Những cây đàn đắt tiền có khi phải nhập gỗ từ nước ngoài. Sản phẩm đàn của cơ sở Trạng Kiều hay các cơ sở làm đàn khác ở quận 4 thường đủ các loại, từ guitar classic, modern, violon đến madolin, cổ nhạc. Giá mỗi cây đàn chênh lệch rất lớn tuỳ vào chất liệu gỗ, có thể từ 500.000 đồng lên đến vài triệu đồng.

 

Phố đàn Nguyễn Thiện Thuật được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Các cửa hàng đàn ở đây hầu hết lấy hàng từ những cơ sở làm đàn ở quận 4.
 
Ở Tp.HCM, chỉ một quãng chừng hơn 1 km trên đường Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3) đã tập trung 14-15 cửa hàng bán đàn. Do vậy, từ lâu con đường này còn được gọi là phố đàn Nguyễn Thiện Thuật, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Các cửa hàng đàn ở đây hầu hết lấy hàng của những cơ sở làm đàn ở quận 4. 
Ngoài ra, sản phẩm đàn quận 4 được xuất đi khắp nơi trong cả nước, thậm chí còn được xuất sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Malaysia hay châu Âu…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay