Trong số 5 đại diện châu Á tham dự đại hội, Minh là nghệ sỹ guitar duy nhất đến từ Việt Nam. Đại hội guitar thế giới lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 6/2004. Từ đó đến nay chưa có đại hội thứ hai. Tại đại hội, mỗi nghệ sỹ sẽ có thời gian là 20 phút để trình diễn, Quang Minh đã chọn thể hiện bản Chaconne bất hủ của Johann Sebastian Bach (nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức) làm rung động tất cả mọi khách mời, nghệ sỹ tên tuổi trên khắp thế giới tham dự. Các nghệ sỹ tham dự đại hội đều cỡ hơn 50 tuổi, ở cái tuổi đã chín muồi về nghệ thuật. Tổ chức đại hội guitar để tổng kết lại một chặng đường guitar phát triển hơn 200 năm, chủ yếu là những người thành danh ở châu Âu, châu Mỹ. Người tham dự và được mời chính thức phải là những “nhân vật đặc biệt”, phải là một nghệ sỹ đẳng cấp của đất nước đó, có tính chuyên môn cao, có đóng góp lớn cho âm nhạc và biểu diễn khắp thế giới. Đại hội không trao giải mà là dịp để các nghệ sỹ lớn trên khắp thế giới tôn vinh nhau.
“Đại hội có chừng 1.000 người tham gia, kéo dài khoảng 9 ngày, không ai biết tôi là người Việt Nam. Khi bà chủ tịch đại hội đưa tôi đi giới thiệu là đại diện duy nhất của Việt Nam thì mọi khách mời tỏ vẻ ngạc nhiên. Họ xúm đến hỏi những câu rất ngô nghê và cũng chẳng có khái niệm gì về Việt Nam. Trong suy nghĩ của họ vẫn hiển hiện một Việt Nam hoang dã và chiến tranh”, Quang Minh chia sẻ.
Ngay khi Quang Minh kết thúc bản Chaconne, tất cả mọi người có mặt tại đại hội đều ngẩn ngơ, sửng sốt, lời đề nghị Minh tiếp tục chơi tăng dần. Một đồng nghiệp người Mỹ đã từng nói với Quang Minh rằng anh là một trong số những người chơi Chaconne mang đến cảm giác mạnh mẽ, giằng xé chưa từng có. Không những vậy, rất nhiều người nước ngoài sau đó gặp và nói với Minh rằng: “Chơi Chaconne cho chúng tôi nghe đi, một đoạn cũng được”.
Ấn tượng với Phan Quang Minh còn là một đêm diễn hoành tráng của riêng anh được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào năm 2003. Đây là buổi diễn mang tính chất chào mừng SeaGame 22 tổ chức ở trong nước, đồng thời cũng là dịp chứng minh cho một đất nước phát triển bình thường về mọi mặt. Trước đó, từng có thời gian ở nước ngoài, Quang Minh thấy rằng, khi hình ảnh đốt lửa và nhảy cồng chiêng được trình chiếu trên phương tiệntruyền thông dù chỉ 5 giây nhưng người ta vẫn nhận định văn hóa Việt Nam man rợ.
Minh kể, hơn hai giờ đồng hồ biểu diễn một mạch, anh chỉ biết chìm đắm trong những tác phẩm mà không biết gì phía dưới. Ngay khi vừa kết thúc chương trình với một giai điệu của Beethoven, 700 khán giả phía dưới cứ vỗ tay không ngừng và muốn Minh chơi thêm. Rất khó xử và đắn đo, vị phó Giám đốc Nhà hát Lớn lúc đó nói với Minh: “Đánh Beethoven xong đừng đánh gì thêm, sẽ phá hỏng mất”. Dù Minh đã chui vào cánh gà nhưng tiếng hò hét, vỗ tay càng nhiều, Quang Minh phải trở lại sân khấu và đánh bản “Xe chỉ luồn kim” khán giả mới ổn định như trước.
Bản Chaconne của Bach là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại. Trong số các nghệ sỹ tham dự đại hội âm nhạc lần đó, tất cả đều đã thành danh và họ phải cẩn thận với danh tiếng của mình nên không thể mạo hiểm, phải lựa chọn một bản nhạc hay nhưng dư sức với họ khi trình diễn. Trong khi đó, bản Chaconne chẳng khác nào một sự thách đố với các nghệ sỹ vì nó quá nguy hiểm. Khi quyết định chọn chơi Chaconne tại đại hội guitar thế giới đó, Minh bảo, anh không hề có suy nghĩ gì khác ngoài tình yêu với một bản nhạc bất hủ.
Kết thúc buổi đại hội về guitar đó, có người phương Tây đã tìm gặp cho bằng được Quang Minh chỉ để nói rằng: “Rất cảm ơn mày vì mày cho tao những thứ mà tao chưa bao giờ được biết đến cả”.
Dù không phải là người sành về nhạc hay tinh thông về guitar nhưng may mắn được trực tiếp nghe Quang Minh chơi guitar, tôi đã hiểu thế nào là cái “điên dại với nghệ thuật” của anh. Một bản nhạc nghe hay và đúng kỹ thuật thôi chưa đủ, riêng với Minh, những ngón đàn của anh bao giờ cũng mang cả nguồn cảm xúc cho người nghe.
Năm 2006, khi Phan Quang Minh chơi trọn bộ hơn 20 phút tổ khúc Suite No2 for Cello Solo tại Mỹ, một nghệ sỹ trong dàn nhạc giao hưởng đã thốt lên: “Anh đúng là truyền nhân duy nhất của Daniel Shafran (Daniel Shafran (1923 – 1997) là một nghệ sĩ cello vĩ đại của Liên Xô cũ – PV). Còn nhớ, sau một buổi diễn của Minh ở Nhà hát Lớn, một nghệ sỹ guitar có tên tuổi đồng thời là người dẫn chương trình hôm đó đã nói: “Đây chính là văn hóa âm nhạc chứ không còn là một buổi diễn guitar bình thường nữa. Bản nhạc của anh mang tính chất khai sáng văn hóa”. Hay như trong một cuộc nhậu bên mấy ông bạn cùng giới, nghệ sỹ Trần Tiến bảo nhạc của Quang Minh giống như đi truyền đạo vậy.
Quang Minh cho biết, trước năm 1988, anh chỉ biểu diễn ở những chỗ nhỏ quanh Hà Nội. Thời điểm đó anh còn tham gia dạy guitar cho mấy trăm người là con em vùng mỏ, đồng thời anh biểu diễn ở 19 Hàng Buồm (Hà Nội) và một vài buổi ở Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô. “Về tính chất hoạt động, các buổi diễn của tôi những năm đó hầu như không bước ra bên ngoài”, Quang Minh cho biết.
Người nghệ sỹ mê guitar đến điên dại
Từ khi ra nước ngoài, anh diễn nhiều ở những thành phố lớn của Mỹ như Sanfrancisco, Washington D.C, Garden Grove, California. Bên cạnh đó, Minh còn có thời gian dài biểu diễn ở Nga, Pháp. Hầu như ở các nơi, anh đều thấy những thông tin về Việt Nam và nhạc Việt ít được biết đến.
Mê guitar đến điên dại, anh tự thấy mình đã phải trả giá rất nhiều cho những kết quả có được. Suy nghĩ thường trực trong đầu anh là âm nhạc, trong khi đó, cuộc sống bình thường buộc con người ta phải nghĩ đến tiền. Khi quyết định theo đuổi niềm đam mê là âm nhạc, Quang Minh đã bỏ dở công việc ở một trường đại học lớn trong nước. Anh bảo, lúc đó thấy chống chếnh, mạo hiểm, không có chỗ dựa và ít được ủng hộ. Trong nước thì có quá ít địa điểm biểu diễn và hình thức biểu diễn. Guitar trong nước vẫn chưa được nhìn nhận đúng, đáng lẽ guitar phải dùng dây nilon mới phô được hết những chuẩn âm về kỹ thuật nhưng guitar trong nước lại dùng bằng dây sắt. Điều này chẳng khác nào một cầu thủ lại đi ủng để đá bóng. Vị thế của cây đàn guitar bị hạn chế, từ đó giá trị của bản nhạc cũng bị đánh giá thấp xuống.
Sinh năm 1962 trong một gia đình mà cả cha mẹ đều là giáo viên. Ngay từ năm 9 tuổi, Phan Quang Minh đã được cha dạy cho những kiến thức cơ bản về nhạc lý. Ông cụ thân sinh ra Quang Minh là Phan Tử Long, một trong ba người thành lập trường Phan Đình Phùng, trường trung học đầu tiên của miền Trung. Ngoài ra, cụ Nguyễn Quang Tôn, một thành viên trong nhóm “Thất Tinh Cầm” (7 người chơi guitar nổi tiếng của Hà thành) là người thầy dạy cho Minh rất nhiều về âm nhạc. Ban đầu, Quang Minh học cả đàn măng đô luyn, guitar và piano, song chỉ duy có guitar là gắn bó lâu nhất và phát triển giống như một sự nghiệp.
Anh cho biết, mình cũng may mắn được tiếp xúc và học tập từ những người rất giỏi về đàn dây, điển hình là người thầy vĩ đại về guitar Manuel Barrueco (người gốc Cu Ba, định cư ở Mỹ). Ngày định mệnh gắn với cây guitar của Minh là khi anh được nghe buổi hoà nhạc ở Moscow (Liên Xô cũ) của nghệ sỹ Vladimir Horowitz (86 tuổi, ông trở về Nga biểu diễn sau nhiều năm xa cách). Lúc ấy là năm 1984, đến nhà một người bạn, Minh có mượn được mấy chục đĩa nhạc trong đó có đĩa của Horowitz. Mở lên nghe, cảm giác đầu tiên của anh là đã và thăng hoa, bản nhạc làm Minh như tê dại, mọi mạch máu trong người rung theo. Sau đó, Minh tìm tất đọc tất cả tư liệu về người nghệ sỹ này, lúc đó anh chỉ biết tiếng Nga nên rất khó để kiếm tài liệu. Trong vòng một năm, Minh học tiếng Anh như điên rồ và anh đã sử dụng được để tìm thông tin về người nghệ sỹ anh yêu mến.