Nghệ sĩ guitar có 15.000 học trò: ‘Cây đàn không bao giờ hại ai’

Lê Hùng Phong không phải một nghệ sĩ showbiz, cũng chẳng mấy khi chơi đàn trên sân khấu, thế nhưng, trong cộng đồng guitar Việt, anh không phải là một cái tên xa lạ. Thậm chí, nhiều người còn xếp Lê Hùng Phong vào hàng “chiếu trên”,  không chỉ vì tài năng với cây đàn mà còn là sức ảnh hưởng với số đông người chơi guitar trẻ.
Lê Hùng Phong nổi tiếng trong cộng đồng guitar Việt vì phương pháp đào tạo độc đáo.
‘15.000 học trò, nhớ sao hết tên’

Hỏi Lê Hùng Phong – một câu mở đầu thẳng thắn “Anh có bao nhiêu học trò?”, Lê Hùng Phong đáp “Ngót nghét 15.000 nghìn, chừng đó, không nhớ hết được, tên tuổi lại càng không”. Học trò là bộ đội, chiến sĩ, sinh viên các trường đại học, thành viên câu lạc bộ guitar.
“Trẻ nhất là những cậu bé tập tành chơi đàn, trong veo. Còn lớn tuổi nhất có bác 74 tuổi, ước cầm cây đàn chỉ để phổ nhạc cho bài thơ ngày xưa. Thôi thì mình dậy, coi là thầy cũng được, không thì là một hướng dẫn. Vừa dậy, vừa trò chuyện, vừa chia sẻ. Thế mà cũng hơn 10 năm trời rồi”, Lê Hùng Phong chia sẻ.
Lê Hùng Phong bảo anh bắt đầu gắn bó với công việc đào tạo guitar từ năm 2002 sau khoảng 10 năm không động đến cây đàn vì “nhiều lý do cá nhân”. Đến nay, anh đã có một trung tâm đào tạo “đông kín học trò”.
“Tôi sinh năm 1974, tốt nghiệp guitar điện tại Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Sau đó, tiếp tục học Nhạc viện. Từng đi biểu diễn nhiều năm nhưng thấy cát-xê thấp quá, không đủ sống nên bỏ, vào Nam ra Bắc, kinh doanh nọ kia, rồi thất bại. Năm 1994 quay về trường lấy bằng chơi nhạc nhẹ, rồi công tác ở Đoàn ca nhạc Thăng Long, được một thời gian lại xin nghỉ. Bỏ đàn được 10 năm thì quay lại với công tác dạy học”, Lê Hùng Phong tâm sự.
“Trong khoảng 10 năm bỏ đàn, anh thấy thế nào?” – trước câu hỏi có phần hoài niệm – Lê Hùng Phong bảo “Cũng nhớ lắm chứ nhìn đàn treo bụi bặm cũng buồn lắm nhưng biết sao, lúc đó cuộc sống mưu sinh đành chấp nhận. Nhưng số rồi, muốn bỏ cũng không bỏ đi, đi đâu lại về với đàn”.
Phần đông sinh viên các trường đại học chơi guitar gọi Lê Hùng Phong bằng thầy, từ Đại học Xây dưng, Giao thông Vận tải, Bách khoa đến cả những trường nhiều nữ giới như Đại học Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh thừa nhận từ lâu “đã sống chết cùng sinh viên”.
Lê Hùng Phong hiện được coi là một trong số rất ít những nghệ sĩ guitar cổ điển đem lại ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển sâu rộng của phong trào guitar trong giới học sinh sinh viên. Không chỉ đào tạo, anh còn góp công khởi xướng nhiều phong trào guitar trong giới trẻ.
Lê Hùng Phong tuyên bố chắc nịch “Chỉ cần thích, với 3 tháng, tôi sẽ biến người không biết tí gì về guitar có thể tự đệm và hát được bài đơn giản”.
Đặc biệt, những năm gần đây, Lê Hùng Phong có một phương pháp đào tạo đặc biệt, soạn ra một giáo trình dạy guitar ứng dụng phần mềm trên máy tính gọi là Guitar Pro, cho phép người học rút ngắn thời gian “chơi guitar thành thạo” xuống chỉ còn hai tháng.
Rất nhiều học sinh của Lê Hùng Phong thất bại trong việc tiếp cận guitar theo phương pháp cũ, đã nhanh chóng có thể đệm đàn chỉ sau 15 buổi học. “Không tin đến học thử thì biết”, anh cười tự tin.
Lê Hùng Phong bảo đàn giống như một người bạn thủy chung.
‘Guitar không bao giờ hại ai’
Lê Hùng Phong bảo với anh cây đàn không đến mức như người tình “đấu gối tay ấp” hay đại diện cho một lý tưởng, khát khao tự do. Guitar không đến mức “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” nhưng guitar thực sự là một người bạn có thể chia sẻ mọi vui buồn.
“Nhiều khi buồn chả biết nói với ai, cầm cây đàn chơi. Tất cả tâm sự, vui buồn gì đàn cũng nói hộ mình được, có khó gì đâu, chỉ bằng những nốt nhạc. Guitar đúng là tri kỷ”, Lê Hùng Phong giãy bày.
Chừng ấy năm thăng trầm với cây đàn, Lê Hùng Phong vẫn quả quyết chỉ có người bỏ đàn chứ đàn chẳng bao giờ bỏ người.
“Đến với guitar chỉ có thêm bạn vì guitar không bao giờ hại ai, chân thành, tử tế. Để làm bạn, cần gì hơn thế. Thú vị hơn, cũng từ guitar mà mình có thể kết nối với những người xung quanh, cùng chia sẻ, cùng trao đổi, rồi làm bạn. Nhiều mối thân tình cũng nhờ cây đàn mà có”, anh giãy bày.
Trước câu hỏi “15 năm đào tạo, anh đã nhận được những gì”, Lê Hùng Phong thẳng thắn đáp “tinh thần nhiều hơn vật chất”. Một người bạn của Lê Hùng Phong bảo rằng anh vẫn chưa đủ tiền để mua cho vợ con một chiếc ô tô riêng. Lê Hùng Phong cười thừa nhận “có tiền nhiều khi lại mua đàn mất rồi”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay