Percussive FingerStyle Guitar: Liệu có thành trào lưu lớn

Thể loại âm nhạc Percussive FingerStyle Guitar phổ biến trên thế giới, du nhập Việt Nam chừng dăm năm. Hiện đang thu hút một bộ phận giới trẻ với lượng người chơi lên tới 4 nghìn.

Trò mới gì đây?

Thiếu chuyên nghiệp, nặng tính tự sự, “cây nhà lá vườn”. Không gian biểu diễn nhỏ khép kín, khán giả nửa bệt nửa ghế nhựa đa phần là dân mê guitar. Đó là những gì đọng lại sau buổi biểu diễn ra mắt của tổ chức FingerStyle Guitar Việt Nam (viết tắt là VNFS) tối 20/4 tại Hà Nội.

Percussive FingerStyle Guitar, gọi tắt FingerStyle (FS) là một thể loại guitar cổ điển rất “hóc”. Gảy cổ điển đã khó, vừa gảy vừa đập FS còn khó hơn nhiều. FS chính là chơi guitar cổ điển kết hợp với kỹ thuật đập ngón tay lên các bộ phận trên thân đàn tạo ra âm thanh của bộ gõ.

Nghệ sĩ FS chơi đàn độc tấu tạo ra âm thanh tam tấu, tứ tấu… của cả ban nhạc. Ở Việt Nam chưa có giáo trình cũng như giáo viên dạy môn này. Người chơi thường dựa theo video trên mạng của các nghệ sĩ nước ngoài để tự tập.

“Chúng tôi cố gắng tạo ra không gian sinh hoạt nghệ thuật lành mạnh, tự nguyện. Tổ chức cuộc thi FSVN lần 1, có em học sinh ở Huế cùng bố đi xe khách ra Hà Nội để thi. Buổi tối thi xong lập tức bắt xe về để sáng hôm sau đi học tiếp”

Đỗ Nga – Phó chủ tịch hội Percussive FingerStyle Guitar Việt Nam

Số lượng người theo đuổi FS tại Việt Nam hiện nay đủ tạo ra một trào lưu trong giới chơi guitar. Nổi bật là bộ tứ biểu diễn tối 20/4 ở một bar trên phố Nguyễn Khuyến vừa kể trên kia: Đỗ Dương Tùng, Nguyễn Danh Tú, Nguyễn Hồ Nam, Nguyễn Hải Đức.

Tùng, nghệ danh Tùng AG là người đầu tiên phổ biến dòng FS tại Việt Nam thông qua một clip hướng dẫn cách chơi bản nhạc Sunflower (Hoa hướng dương) của nghệ sĩ FS Trung Quốc- Paddy Sun.

Hiện tại Tùng giữ vai trò thủ lĩnh tinh thần của phong trào. Tú, sinh viên Học viện Tài chính, không có lấy một cây đàn tốt vẫn sáng tác trên chục tác phẩm. Nam (Nam Blue) được mệnh danh Sungha Jung Việt Nam (Sungha Jung là thần đồng FS người Hàn Quốc). Và Đức (Rio Sun) được dân trong nghề đánh giá sẽ thành nghệ sĩ lớn.

Vòng quanh thế giới để hiểu thêm về FS

Người Mỹ nhận mình là cha đẻ của dòng độc tấu Percussive FingerStyle Guitar (Nguồn http://guitaralliance.com) ra đời từ thập niên 70. Thời gian đầu FingerStyle chỉ phổ biến ở Mỹ và châu Âu.

Chưa tới mức “bác học” như giao hưởng song cũng kén người nghe, đòi hỏi cảm thụ âm nhạc thực thụ. Hiện nay trào lưu đã rộng khắp thế giới. Châu Á phát triển mạnh nhất ở Trung Quốc, Nhật Bản. Hàn Quốc chỉ nổi bật lên cái tên đã được nhắc ở trên: “Thần đồng Sungha Jung”.

Dòng nhạc này vào Việt Nam duy trì ở mức độ cá nhân. Chỉ tới khi Sunflower Hội, hiện là VNFS, tổ chức đầu tiên và duy nhất được thành lập người ta mới nhận thấy thực sự tồn tại một cộng đồng FS ở nước ta.

Cân bằng giữa đam mê và cuộc sống

VNFS khởi đầu từ số 0, trong thời gian ngắn đã có 6 cơ sở tại các thành phố lớn, lượng thành viên tăng từng ngày. Cuộc thi FS Việt Nam lần 1 thu hút nghệ sĩ thành danh tới Việt Nam biểu diễn.

Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất chính là sự thừa nhận của xã hội.

Nghệ sĩ FS khó tìm được chân biểu diễn tại các tụ điểm âm nhạc, chưa nói tới các chương trình lớn. Cộng đồng còn biết rất ít về dòng nhạc này.

Tổ chức VNFS hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, dựa vào đóng góp của các thành viên nên không đủ kinh phí để tiến hành các hoạt động quảng bá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó độ cực nhọc trong tập luyện như tốn thời gian, chi phí, dễ tổn thương tay… cũng là chướng ngại trên đường phổ biến FingerStyle.

Đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng. Sau đêm ra mắt, vài tổ chức nghệ thuật chuyên nghiệp đánh tiếng hợp tác với VNFS. Lễ hội hoa anh đào của Nhật Bản cũng đặt lịch thường xuyên các nghệ sĩ FingerStyle chơi theo phong cách Nhật Bản. Theo một tay guitar kỳ cựu đồng thời là một doanh nhân thì FS rất có triển vọng nhờ hình thức độc tấu mang phong cách độc đáo, không lẫn vào đâu.

Chung quy lại FingerStyle Guitar cũng chỉ là một trong nhiều trào lưu thể hiện bản thân của giới trẻ. Đam mê và sống hết mình là điều đáng quý. Song vẫn cần cái nhìn tỉnh táo cho tương lai của chính họ.

Mỗi quốc gia có cách chơi FingerStyle riêng. FS Mỹ, đơn thuần về giai điệu lại đòi hỏi kỹ thuật cực cao, giống như người Mỹ sống thực chất mà rất có chiều sâu. Đối lập về kỹ thuật, FS Trung Quốc thân thuộc dễ tập, khi trình diễn tạo ra giai điệu tuyệt vời chẳng thể nào quên. Nhật Bản ở giữa, trung dung như người Nhật song không dễ tiếp cận chút nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay