The Voice Mỹ: Thí sinh hát “lạy trời mưa” – Blake thắng lớn, Adam trắng tay

Thí sinh hát “lạy trời mưa”

Theo wikipedia,“I Wish It Would Rain” là một bản nhạc Motown (tên một hãng thu âm nổi tiếng tại Mỹ và đồng thời được dùng để chỉ thể loại nhạc mà hãng này chuyên sản xuất, một thể loại phức hợp giữa cổ điển và đương đại, trong đó, yếu tố nhạc Soul là chủ dạo) đã đi vào huyền thoại với một câu chuyện buồn da diết.

Nhạc sĩ Penzabene – người sáng tác bài hát này, đã cảm tác nên nó từ chính câu chuyện đời của ông, câu chuyện vào một ngày cô quạnh và khô ráo, ngày ông phát hiện ra người vợ bao năm chung sống đã phụ tình ông. Tiến thoái lưỡng nan khi phía trước là nỗi đau quá lớn, còn sau lưng lại là một biển yêu thương khôn nguôi, ông đã dồn hết tình cảm và cả những oán giận vào lời ca “ngóng lạy trời mưa” bất hủ.

“It Wish It Would Rain”, một bài hát đã đi vào huyền thoại.

Nhắc đến “I Wish It Would Rain” là nhắc đến bản thu âm của nhóm nhạc trứ danh The Temptations. Bản thu âm này không chỉ nổi tiếng với những hiệu ứng âm thanh đặc biệt trong tiếng mưa rả rich quyện vào cơn âm u của sấm chớp, mà còn thu hút người nghe bằng giọng hát thấm đẫm nội tâm của giọng ca chính David Ruffin.

Bằng việc truyền vào giọng hát một niềm đau chan chứa, người ca sĩ này đã truyền tải thật chân thực cái bứt rứt bề bộn trong câu chuyện tình tan vỡ của bài hát. Tiêng lòng tha thiết khẩn nguyện mưa rơi hòng che dấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên má của chàng trai trong câu chuyện đã trở thành hình tượng gợi cảm cho nhiều bài hát nổi tiếng sau này về câu chuyện mưa và lệ.

Và còn đó một câu chuyện thương đau nữa đã góp phần đưa bài hát này đi vào truyền thuyết: Không lâu sau khi những giai điệu khóc thương của mình được đặt lên kệ đĩa và thành công vang dội tại Mỹ, người sáng tác bài hát, nhạc sĩ Penzabene, đã tự sát vì niềm bi thương quá lớn trong tâm hồn.

Vì một chiều sâu lịch sử như vậy, hoá thân vào câu chuyện “I Wish It Would Rain” được xem là một lựa chọn can trường mà không phải thí sinh nào cũng đủ can đảm mang đi ứng thí tại các cuộc thi âm nhạc. Khán giả The Voice đã vô cùng ngạc nhiên khi được nghe lại câu chuyện này qua một gương mặt gốc Ấn còn rất trẻ, giọng ca 17 tuổi, Brandon Mahone, giọng ca thuộc một thế hệ đã quá xa rời với cái thời vang bóng của bài hát. Và càng ngạc nhiên hơn khi chứng kiến chàng thí sinh da màu với số phận truân chuyên đã thể hiện bài hát chuẩn mực đến không tì vết.

Quyết định đẩy nhịp độ bài hát lên mức tốc độ cao hơn chút đỉnh so với bản gốc đồng nghĩa với quyết định trút bỏ đi cái âm u dai dẳng đay nghiến tâm trạng người nghe vốn đã trở thành thương hiệu của bài hát. Tuy nhiên, trong lối hát đôi phần thong dong của Brandon, yêu thương dù đã đẩy xa đến muôn trùng vẫn còn nghe trong nó mùi vị xót xa .

Thêm vào đó, cách xử lý nhiều đầu tư và giàu chủ ý của chàng thí sinh trẻ còn truyền vào những từ khoá trong bài hát nguồn xúc cảm bất tận. Từ đó, mang đến một nỗi đau, một ngồn thương đau đáu cho khúc ca. Có thể nói, ở đây, Brandon đã chứng tỏ rõ rệt đẳng cấp Motown thượng thừa trong giọng hát của anh.

Lời cầu xin mưa rơi của Brandon Mahone đã thấm nhiều tươi mới

Nhưng vẫn giữ trọn vẹn linh hồn của bài hát truyền thuyết..

Bình luận về bài dự thi này, tờ báo Unreality TV, một tờ báo nổi tiếng chuyên bình luận về các show truyền hình thực tế của Mỹ, đã hào phóng viết về Brandon như sau: “Chắc chắn, đây là lần đầu tiên ở The Voice Mỹ năm nay, chúng ta không chỉ hào hứng thưởng thức trọn vẹn một bài dự thi mà còn ước mong cho nó kéo dài mãi không ngừng. Giọng hát của anh ấy thật dáng yêu và ta có thể nghe ra trong đó những giá trị âm nhạc đích thực.”

Về phía các huấn luyện viên, 3 trong số 4 người là Cee Lo, Xtina và Adam đã bấm nút lựa chọn Brandon. Trong đó, lời nhận xét đáng chú ý hơn cả đã giúp Adam giành về cho đội mình chàng thí sinh dồi dào tiềm năng này: “Rất nhiều thí sinh đến với cuộc thi và lựa chọn thể hiện những ca khúc kinh điển, nhưng điều thú vị ở đây là bạn dường như là người duy nhất đã thực sự nghiên cứu và am hiểu nghiêm túc về cách thức biểu diễn sao cho thời đại âm nhạc cổ kính đó được sống dậy. Bạn là một nghệ sĩ nhạc soul, một nghệ sĩ nhạc soul THỰC THỤ.” Làn gió thoảng ngọt ngào

Một gương mặt với nhiều nét khác biệt đáng chú ý nữa là nữ thí sinh 32 tuổi, Suzanna Choffel. Không mãnh liệt và gây nhiều chú ý như Brandon, Suzanna xuất hiện âm thầm và dịu dàng khiến trái tim hàng vạn khán giả rụng rơi ngay từ câu chuyện đời và niềm đam mê đáng yêu của mình.

Xuất thân là một giáo viên dạy nhạc, nhưng không phải từ những lớp học dành cho thiếu niên hay người trưởng thành mà là lớp học của những em bé còn chập chững tập đi, cô giáo trẻ hồn nhiên tâm sự: “Tôi cảm thấy như mình đã dành trọn đời cho nó. Tôi được dạy dỗ trong âm nhạc và bây giờ tôi cũng đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bằng chính âm nhạc.”. Suzanna đến với cuộc thi không vì danh vọng, không vì ước mơ đổi đời cao xa, cô đến đây đơn giản chỉ vì một tình yêu âm nhạc thắm thiết.

Dễ thấy rằng, giữa một mùa thi tràn ngập những số phần éo le tìm đến âm nhạc như cơn giải thoát, sự xuất hiện của Suzanna lập tức xua tan mọi trăn trở và thổi tràn lòng người ngọn gió âm nhạc thuần khiết, mát lành.

Cô giải trẻ mang đến cho The Voice Mỹ một làn gió thoảng ngọt ngào.

Như chính sự xuất hiện của mình, bài hát “Landslide” mà Suzanna lựa chọn dự thi cũng bình dị và mơ hồ như một cơn gió. Đó là tâm trạng buồn vì yêu đấy nhưng vì tình yêu bảng lảng vô hình dung nên nỗi đau cứ mơn man nửa thực, nửa hư, nửa thanh thản, nửa lại nhói đau. Chất giọng lạ lẫm của Suzanna cứ thản nhiên trầm lặng quện đặc vào tiếng guitar mộc mạc và làm cho người nghe xao xuyến. Thỉnh thoảng, trong giọng hát của cô gợn lên một chút gì đó rợn người cho cơn gió thi thoảng buốt lạnh và ám muội vào bài hát một hơi thở nồng nàn.

Ấn tượng với phần dự thi này, Adam gần như lập tức quay lại ngay sau những nốt nhạc đầu tiên. Anh nhận xét: “Một chiếc váy đỏ duyên dáng và tiếng guitar mộc mạc, không còn một lựa chọn nào tuyệt vời hơn để tiếp cận bài hát như cách bạn đã làm. Và giọng hát ngọt ngào đó thật tuyệt vời.”

Tuy nhiên, theo suy nghĩ cảm quan của mình, cô giáo trẻ đã lựa chọn người huấn luyện viên quay lại sau Adam một chút là Blake. Blake vui mừng chia sẻ: “Cô gái ấy rất tuyệt vời. Cô ấy không đến bằng những màu sắc hào nhoáng để cho bản chất nghệ sĩ trong mình tự thân toả sáng.”

Một thông tin thêm về Suzanna là mới đây cô vừa giành giải 3 trong cuộc thi International Songwriting Competition 2012 tại hạng mục trình diễn ca khúc. Đây là cuộc thi uy tín dành cho những nhạc sĩ trẻ và thành tựu của Suzanna tại đây khẳng định phần nào thế mạnh của cô ở The Voice Mỹ năm nay.

Blake thắng lớn, Adam bất ngờ trắng tay

Trải qua một tuần thi ảm đạm với việc hoàn toàn trắng tay tại tập 5 của chương trình khi 5 lần bấm nút chọn mà không lần nào giành được thí sinh, Blake đã trở lại tuần này với quyết tâm lớn lao và anh đã giành được thắng lợi rực rỡ. Ở tập 6, anh liên tục tìm về được cho đội mình 5 thành viên mới trong đó có gương mặt nặng ký Suzanna Choffel.

Sang tập 7, anh lại giành được thêm 2 thành viên đặc biệt nữa, một thí sinh là giọng ca country nhiều triển vọng Charlie Rey, và cái tên còn lại rất nổi bật khi là thí sinh hiếm hoi trong mùa này được cả 4 huấn luyện viên bấm nút chọn, cô ca sĩ trẻ Cassadee Pope. Với thắng lợi này, Blake đã nhanh chóng đuổi kịp thành tích của các đồng nghiệp và có trong đội 14 thành viên.

Blake gây ấn tượng mạnh và liên tục tìm đượcnhững thí sinh ưng ý cho đội mình.

Trái ngược với tình hình khả quan của Blake, chàng huấn luyện viên luôn rất nổi bật tại The Voice Mỹ, Adam Levine, lại thất thu thảm hại ở tuần này. Trong tập 5, anh chỉ may mắn có được 3 thí sinh mới cho đội, trong đó có cái tên gốc Ấn đình đám Brandon Mahone.

Và đến tập 6, Adam đã phải ngậm ngùi ra về tay không khi trong cả 2 lần bấm nút chọn, thí sinh yêu thích của anh đều bị “chàng hoàng tử đang lên” Blake cướp mất. Tuy nhiên, nhờ vào thành tích tốt ở các tuần trước, Adam cũng đã kịp sở hữu 14 thí sinh trong đội, bằng với các vị huấn luyện viên khác.

Khó ai ngờ chàng HLV điển trai này lại có thể thảm bại đến vậy trong tuần này.

Như vậy, sau 3 tuần căng thẳng của vòng thi giấu mặt, cả 4 huấn luyện viên The Voice Mỹ là Adam, Cee Lo, Xtina và Blake đều đã có trong đội 14 thí sinh. Và ở tuần sau, tuần cuối cùng của vòng 1, nhiệm vụ của mỗi người là tìm thêm 2 thí sinh để hoàn thành đội hình 16 người cho đội mình. Cuộc chiến ở những giây cuối cùng này hứa hẹn sẽ gay cấn và hấp dẫn hơn bao giờ hết vì theo thông tin từ ban tổ chức, những thí sinh nặng ký nhất phải chờ đến tập cuối của vòng giấu mặt mới xuất hiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay