Tìm chỗ đứng cho fingerstyle guitar

Chương trình concert của Thần đồng guitar Hàn Quốc Sungha Jung, diễn ra tháng 4/2015, tại Hà Nội, đã kịp mang tới một cái nhìn khác cho khán giả Việt Nam với dòng fingerstyle, mà trước đây ít người quan tâm. “Thừa thắng xông lên”, vào ngày 17/7 này, Vietnam Fingerstyle Guitar Organization (VNFS) và Nhà hát Tuổi trẻ sẽ phối hợp tổ chức Liên hoan guitar quốc tế dòng fingerstyle tại Việt Nam năm 2015 (Vietnam International Finger-Style Guitar Festival 2015- Vietnam IFSGF 2015). Có lẽ, đã đến lúc để công chúng biết nhiều hơn về dòng nhạc này.

Sự hội tụ những tài năng tầm cỡ

6 nghệ sĩ quốc tế góp mặt tại Vietnam IFSGF 2015, là cái tên mà những fan của dòng fingerstyle đều quá quen thuộc và yêu thích. Đó là Huang Chia-Wei (Đài Loan – Trung Quốc) với những giai điệu lãng mạn, xúc động, đôi lúc lại là những bản nhạc khiến khán giả muốn nhún nhảy cùng; đã hình thành từ sự khác biệt trong quá trình trưởng thành và môi trường sống của nghệ sĩ. Đó là Agustin Amigo (Tây Ban Nha), người có một niềm đam mê mãnh liệt với fingerstyle guitar và sự sáng tạo trong việc sử dụng partial capo (capo kẹp từng phần) đã trở thành nét đặc trưng riêng của anh, khiến cho giai điệu rõ ràng hơn, tiếng đàn độc đáo hơn trong mỗi phần trình diễn.

Nghệ sĩ Agustin Amigo sẽ tham gia biểu diễn tại Liên hoan.

Là Andy Ngew (Malaysia), gương mặt thế hệ mới của fingerstyle Malaysia, người đã học guitar cổ điển khi còn nhỏ, nhưng sau khi được nghe âm nhạc của dòng fingerstyle, đã chuyển sang sống chết với thể loại này. Là Paddy Sun (Trung Quốc), tác giả của bản hit “Sunflower”, tác phẩm đã trở thành một hiện tượng tại Việt Nam kể từ khi được đăng tải lên youtube từ năm 2009 và thực sự là một cú huých đã đưa không ít các bạn trẻ Việt Nam đến với guitar và thể loại mới – fingerstyle. Là Masa Sumide , nghệ sĩ guitar độc tấu hàng đầu của Nhật Bản, thường được khán giả gọi là “Ông hoàng của nhạc guitar ngẫu hứng”. Và cuối cùng là Jacques Stotzem (Bỉ), với phong cách là sự pha trộn giữa những bản nhạc đậm chất trữ tình và những bản acoustic rock đầy sôi động.

Họ, 6 gương mặt quen thuộc của các liên hoan âm nhạc thế giới, sẽ cùng hội tụ và mang tới một concert hứa hẹn sẽ là một sự kiện âm nhạc, giao lưu văn hóa đầy ấn tượng trong mùa hè này, với sự đa dạng về cảm xúc và màu sắc, âm nhạc.

Fingerstyle guitar là thể loại guitar độc tấu mới nhất tại Việt Nam, phát triển mạnh trong những năm gần đây. Với fingerstyle guitar, chỉ có một người chơi, nhưng sẽ thay thế luôn cho cả một ban nhạc. Điểm độc đáo và cuốn hút nhất của dòng này là khi nghệ sĩ đồng thời kết hợp chơi cả phần đánh trống (percussive) bằng cách sử dụng các kỹ thuật khéo léo để đập gõ trên cây đàn, làm cho bản nhạc trở nên vô cùng sống động. Nói như một nghệ sĩ, fingerstyle mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới về cây guitar thùng.

“Fingerstyle có thể tạo ra nhiều thứ âm thanh phối hợp cùng nhau để làm cho tác phẩm thêm sống động; giúp tận dụng được tối đa tất cả các bộ phận trên cây đàn guitar; đồng thời đưa nghệ thuật guitar nâng lên một tầm cao mới, biến cây đàn guitar giờ đây không chỉ là một cây đàn guitar nữa. Hiện tại ở Việt Nam, rất nhiều guitarist chơi fingerstyle thông qua cây đàn ascoutic (các loại đàn guitar mộc – unplug, là không sử dụng điện). Loại đàn này thường có fretboard nhỏ, dài. Số lượng phím đàn trên fretboard nhiều hơn trên classic.Việc lựa chọn loại đàn này nhằm tối ưu hóa việc bấm phím đàn và di chuyển tay trái được linh hoạt hơn. Về dây đàn, đa số các guitarist hiện nay đều sử dụng dây sắt để chơi fingerstyle vì độ vang của dây sắt hơn hẳn dây nilon. Điều này rất hữu ích khi sử dụng các kỹ thuật đòi hỏi độ vang của dây đàn như tapping (dùng ngón tay bấm vào phím đàn tạo ra tiếng kêu như trong bài drifting), harmonic (âm bồi), hay kết hợp giữa tapping và harmonic”, một nghệ sĩ chia sẻ.

Fingerstyle có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng để chơi được loại nhạc này, theo các nghệ sĩ, cũng không phải chuyện đơn giản. Guitarist phải thực sự giỏi về nhạc lý, đồng thời nắm vững về guitar, phải có tốc độ và sự khéo léo của đôi bàn tay nghệ sĩ khá cao. Chính vì vậy, tại Việt Nam, dòng nhạc này dù có rất nhiều fan, nhưng lại ít người theo học và số nghệ sĩ nổi tiếng thì chỉ đếm được trên… một bàn tay.

Người phát triển trào lưu này ở Việt Nam chính là Đỗ Dương Tùng, được biết tới với nghệ danh Tùng AG. Một lần tình cờ được xem clip của Paddy Sun chơi bài “Sunflower”, nhạc điệu cùng cách chơi sáng tạo, Tùng đã bị hấp dẫn và bỏ công tìm hiểu. Sử dụng cây guitar cổ điển của bố, Tùng bắt đầu tập và sau 8 tháng bắt đầu quay clip chơi fingerstyle bản “Sunflower” và đưa lên Youtube nhằm hướng tới các đối tượng muốn theo đuổi dòng guitar này. Thật bất ngờ khi clip đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng guitar và giới trẻ. Nhiều người chủ động liên hệ với Tùng bày tỏ nguyện vọng muốn được Tùng dạy chơi fingerstyle guitar. Khi số lượng người học đã đông đúc, Tùng quyết định thành lập “Sunflower hội” – tiền thân của VNFS (Vietnam Fingerstyle Guitar Organization).

Từ những thành viên nhỏ lẻ ban đầu, đến nay VNFS đã có 9.000 thành viên, đa số là học sinh, sinh viên; có 6 cơ sở tại những thành phố lớn và vẫn hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Các thành viên mới của VNFS ngày càng được trẻ hóa. Gần đây, VNFS đã tổ chức các hoạt động hướng dẫn, giao lưu, biểu diễn, giải thi… để quảng bá cho dòng nhạc của mình như Cuộc thi toàn quốc dòng percussive fingerstyle guitar lần thứ nhất tại Việt Nam (12/2013), Đêm guitar “Đam mê và Chông gai” (4/2014), Đêm nhạc “Guitar… never like before” (7/2014)…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay