
48 tuổi, anh bắt đầu để lại móng tay bàn tay phải, cắt sạch móng tay bàn tay trái. Để chơi đàn guitar. Hơn chục năm rồi, công việc và bộn bề đời sống kéo anh đi, hầu như anh không còn thời gian để ngồi với cây đàn. Chỉ những khi họp mặt bạn bè thân thiết và có nhã hứng, hai cây guitar nhà anh mới được đem ra, so dây và cả bọn nhìn nhau cười khi ngón tay đã vụng, giọng hát đã khàn, khi những vết chai trên những ngón tay cũng đã lặn rồi như lời một bài thơ anh từng viết.
Nhưng lần này anh dành nhiều thời gian hơn cho cây guitar, như một người bạn, ít thì dăm ba ngày cũng ôm đàn dạo vài mươi phút. Ở nhà, không gian của riêng anh. Ra với cuộc đời, là không gian của anh và bè bạn. Sài Gòn mênh mông, ầm ào, quả là hiếm hoi nơi chốn bình yên để thong dong ngồi bên ly cà phê, nghe một giọt guitar rơi, rơi, tạm quên đi những muộn phiền, đôi khi duềnh lên những ước mơ dung dị. Nhưng đâu đó giữa đại đô thị này đã có những khoảnh khắc không gian lắng lại, nhường chỗ cho 6 dây guitar ngân lên dịu dàng…
Anh nhớ một thời tuổi trẻ. Sài Gòn những năm 1980. Vỉa hè đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ là nơi những chàng sinh viên nghèo đi lùng những bản nhạc mình ưa thích. Cứ ngồi xổm mà lựa những bài tập classic, những bài tình ca của Christopher, ca khúc tiền chiến… Thời đó là những bản in roneo, nhiều chỗ nhòe, mờ, mất nét, mua về phải ngồi xem, sửa lại cho đúng. Ký túc xá Ngô Gia Tự thời đó từ chiều đến khuya rộn tiếng guitar của sinh viên Trường Y và Trường Tổng hợp. Góc này nhóm bạn ngồi hòa tấu, góc kia nhóm khác ngồi đệm hát say sưa, góc phòng nào đó một chàng ngồi “phiêu” những đoạn tremolo, chạy dây theo bản classic bất hủ: Feste Lariane. Năm đó, lần đầu tiên chàng sinh viên nghèo “liều mạng” ăn Tết xa nhà, nếu không có cây đàn chắc gã không qua nổi những ngày Tết buồn như chấu cắn. Guitar đi theo anh suốt cuộc đời sinh viên, những tháng ngày khoác áo lính nơi núi rừng Tây Nguyên. Anh sạm đen, phong trần và cây guitar cũ kỹ dần đi…
Thời gian trôi qua, tóc anh điểm bạc. Khắp hang cùng ngõ hẻm người ta quên cây guitar, quên cả lời ca khúc khi đâu đâu cũng có karaoke. Phố đàn Hồ Văn Ngà (sau này đổi tên là Lê Thị Hồng Gấm) không còn, phố đàn Nguyễn Thiện Thuật hiu hắt, xóm làm đàn quận 4 nhiều người bỏ nghề…
Nhưng thời gian trả lại giá trị thực chất. Vẫn còn đó những người âm thầm yêu mến, âm thầm gìn giữ tiếng guitar réo rắt cho đời. Dắt díu nhau tìm về lại với những giá trị muôn đời, tìm về một nơi để được là mình sau những vòng đua đời sống. Đâu đó tiếng guitar lặng lẽ lan tỏa, tiếng hát cất lên. Mỗi người tìm lại cho mình một khoảng trời nào đó của một thời. Guitar lại khoác lên mình sắc diện mới. Không chỉ là vật bất ly thân của sinh viên khoa guitar Nhạc viện, guitar đeo trên lưng học sinh trung học đã xuất hiện nhiều trên những ngả đường. Phố đàn Nguyễn Thiện Thuật hồi sinh.
Một trưa nào ở Công viên Tao Đàn, mấy sinh viên ôm đàn hát với nhau. Cây đàn chợ của chàng sinh viên nghèo, dây cứng, cần cong không làm giảm đi niềm hứng khởi tuổi trẻ. Hai ông già đi ngang, ghé lại, cười “cháu hòa tấu với già nhé”. Một ông ngày trẻ chuyên thổi sáo đệm ngâm thơ, nay ngồi nhìn bạn chơi cùng đám trẻ. Trong chiếc bao vải gần chục cây sáo, chọn cây vừa “ton”, ông già thổi vài bài theo điệu slow, valse rồi pasodoble, chàng sinh viên hòa theo.