Nghệ sĩ Ân Guitar, Nhạc sĩ Xuân Hoàn và cây đàn guitar thuần Việt

Bất ngờ trong một buổi họp mặt một số anh em văn nghệ sĩ tại tư gia của Nghệ sĩ Guitar Xuân Hoàn, phóng viên được nhìn thấy một cây đàn guitar đẹp lạ lùng. Sức quyến rũ của nó hút đến mức khi tiếng đàn của Xuân Hoàn dứt thì không thể ngăn được câu hỏi buột ra:

– Ai là người chế tác cây đàn này? Nước nào sản xuất vậy?

– Cây đàn này em mới tậu của người bạn thân là một nghệ nhân sản xuất đàn guitar tại Sài Gòn. Cây đàn chế tác đặc biệt này theo yêu cầu của em. Nghệ sĩ Xuân Hoàn trả lời.

Sau khi tìm hiểu chi tiết về cây guitar này. Tôi thực sự muốn biết người nghệ sĩ nào đã sáng tạo ra cây đàn guitar tuyệt đẹp này. Nhạc sĩ Xuân Hoàn lấy điện thoại gọi ngay cho người bạn chế tác cây đàn của mình.

– Mình đang ngồi nói chuyện với ông anh cũng là thầy dạy guitar hồi nhỏ. Ổng muốn nhờ anh làm một cây guitar giống cây của Hoàn đặt trước đó. – Ok anh, em còn nhớ từng chi tiết cây đàn làm cho anh nên có thể thực hiện ngay. Anh nói với bạn anh là có thể nhận được đàn 2 tháng sau.

Nhân tiện, mời anh với anh của anh đến xưởng của em. Anh em lâu ngày không gặp nhau. Em cũng muốn biết bạn của anh luôn. Nghe Xuân Hoàn nói chuyện với người bạn chế tác đàn, với máu nghệ sĩ cũng như bị thu hút vởi vẻ đẹp của cây đàn, tôi rất mong muốn có buổi gặp mặt này. Thực ra, chính bởi lý do xưởng sản xuất đàn guitar là của một người Việt Nam và chất men nghề nghiệp phóng viên, tôi lại càng háo hức hơn nữa.

Thú thực, tôi không phải là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ nhưng tôi thích guitar và yêu guitar ghê gớm. Khi gặp cây đàn của Nghệ sĩ Xuân Hoàn, tôi bàng hoàng, mê mẩn như chạm một người đẹp. Nó có cái dáng, cái vẻ kiêu kỳ, màu sắc đơn giản mà sang trọng, có thể nói rất quí phái nữa là đằng khác. Tôi đã từng chiêm ngưỡng, nghe âm thanh nhiều cây guitar cổ điển sản xuất tại Tây Ban Nha, Nhật Bản và các nước khác qua các buổi trình tấu của nhạc sĩ cổ điển, hay trình tấu Flamenco ở Mỹ và các nơi trên thế giới, nhưng không ngờ ngay tại Sài Gòn lại có một cây guitar đẹp mê hồn do chính một người Việt Nam chế tác ra. Ba ngày sau, Nhạc sĩ Xuân Hoàn lái xe gắn máy chở tôi từ trung tâm thành phố để đến xưởng đàn như đã hẹn. Có những đoạn đường mịt mù bụi đất, khói, hơi xăng, dòng người tràn ngập. Chúng tôi như lọt vào vòng vây của xe cộ, mắt cay xè nhức nhối. Ngồi trên chiếc xe gắn máy qua những con đường lồi lõm gập ghềnh lắc lư, nhiều lúc tôi phải dùng sức mạnh của đôi tay tì xuống yên sau xe để nâng cái mông tội nghiệp của mình lên mỗi khi sụp xuống ổ gà – cái đám thổ phỉ nhan nhản này nó hành hạ xương sống đến toát mồ hôi.

Phải vượt gần một tiếng đồng hồ mới đến khu phố xá mới gọi là Quận 9, len lỏi qua những con đường xa lạ, băng qua cánh đồng sơ xác hoang vu, lác đác vài tòa nhà đang xây dựng trông có vẻ như công ty hay công sở gì đó. Quận 9 có cái dáng dấp của các con phố quanh co lên xuống qua các quả đồi thấp xen chân, nếu được chỉnh trang đúng mức với những hàng thông vi vút và đồi cỏ nên thơ thì cảnh quan sẽ đẹp không kém gì Đà Lạt. Thế rồi cuối cùng chúng tôi cũng đến xưởng. Chủ xưởng đàn tươi cười ra đón chúng tôi. Đúng là dân “bụi” có khác, tiếp chúng tôi chỉ có độc nhất cái quần đùi rộng thùng thình, sơ mi banh ngực.

Xưởng đàn là một khu vườn hoang sơ cỏ dại liếm bước chân người, một con đường xi măng nhỏ có hai cây Sơ-ri xanh tươi hai bên (PV: Không phải là cây Cherry có quả bán tại siêu thị). Cuối ngõ nở toang ra dẫy nhà mái tôn bề ngang rộng ngang có đến năm bảy chục mét, bên trong vọng ra tiếng máy móc ì xèo. Xưởng đàn lọt thỏm giữa đám hương đồng cỏ nội và ruộng lúa. Thật là khéo chọn chỗ cho xưởng chế tạo cây đàn. Tôi thầm nghĩ bụng: Chắc chỉ có nơi đây, con người mới hòa mình vào thiên nhiên để có thể làm ra cây đàn có âm thanh làm nhạt bớt cái màu hỗn độn bên trong trung tâm Sài Gòn.

Hình 01: Con đường xi măng dẫn vào dãy nhà xưởng trong khuôn viên xưởng.

Hai tay hai trái dừa tươi toe toét nụ cười, chủ xưởng đàn mời chúng tôi ngồi vào ghế đá trong khuôn viên xưởng, uống nước dừa, và nghỉ ngơi. Bụi bặm trên đường mau chóng tan đi, những phút gồng người trên cái yên xe cứng ngắc cũng tan biến bỏ lại đằng sau qua hơn 20 cây số đường dài.

Sau khi an tọa, nghệ sĩ Xuân Hoàn chỉ tay qua người người đàn ông đón chúng tôi, ngoài những nét phong trần tôi thấy ngay lúc gặp, đây là một trung niên, dáng người mập mạp, tròn trĩnh với bộ râu “làm biếng cạo”, mặt mũi trông “ngầu” tợn toát ra cái vẻ của một tay anh chị “giang hồ tứ chiếng”, ngoài ra cũng có chút nét của một anh phó thường dân Nam Bộ thời “công tử Bạc Liêu” để giới thiệu :

– Đây là anh Ân – người chế tác cây đàn cho em.

Anh phó thường dân Nam Bộ này nở nụ cười toe toét. Nụ cười xóa tan ý nghĩ sai lầm của phóng viên thoáng gợn trong đầu và xóa luôn trí tưởng tượng về người nghệ nhân sáng tạo ra cây đàn tuyệt diệu này phải là một anh chàng đượm nét tài tử phong lưu. Thế mới biết, cứ xét tính tình con người qua vóc dáng bề ngoài nó sẽ lừa cho phải biết. Chim khôn dấu mỏ, người khôn dấu tiếng mà lị.

Mọi người chào hỏi nhau. Không bỏ lỡ cơ hội, phóng viên bèn “hỏi thăm sức khỏe” người đóng cây guitar của Nghệ Sĩ Guitar Xuân Hoàn ngay.

– Chào anh Ân. Tôi là phóng viên đại diện cho báo Văn Hóa ở California, Hoa Kỳ. Hôm trước có hẹn với anh. Hôm nay tôi được dịp đến thăm xưởng sản xuất đàn guitar của anh. Anh có thể giới thiệu vài nét về mình được không? – Em tên là Lê Thiên Ân. Bạn bè thường gọi là Ân Guitar.

– Theo chỗ chúng tôi được biết, ở trong nước hiện nay có rất nhiều người chơi đàn guitar, nhưng người sản xuất ra đàn thì khá hiếm, đặc biệt cây đàn thuần túy mang chất liệu của Việt Nam thì lại càng hiếm. Anh có thể giới thiệu qua về các loại đàn mình sản xuất được không? – Dạ, xưởng của em sản xuất đàn guitar classic, guitar acoustic, và các loại khác như mandolin, ukulele. Anh tham quan xưởng của em một vòng cho biết.

Chúng tôi theo chân anh, đi từ khu cưa xẻ gỗ, kho để gỗ, đến nơi lắp ráp đàn và hoàn thiện cây đàn. – Anh là một nghệ nhân truyền thống làm đàn guitar?

– Từ “nghệ nhân” hoành tráng quá. Em “lê lết” với cây guitar từ nhỏ như duyên số và bây giờ nó là cái nghiệp của mình. (Cười). – Cơ duyên nào mình đến với nghề sản xuất đàn guitar vậy anh?

– Ngày xưa em theo Ba em làm đàn. Riết rồi lớn lên em làm tự làm luôn. Coi như là người nối dõi nghiệp làm đàn của ổng. – Xin lỗi quý danh Ba của anh tên gì? Ông làm nhạc cụ gì?

– Tên của ba em Lê Thương Tâm. Ba em làm đàn Violon, đàn guitar, và sửa Piano. Ba em có biệt danh là ông Tâm Violon già Thị Nghè. – Ổng làm từ khi nào?

– Từ trước năm 1975 ở Sài Gòn. – Anh theo làm đàn ba của anh từ khi nào? Thế nhưng cơ duyên nào nào mà anh lại trở thành nhà sản xuất chuyên sản xuất đàn guitar?

– Lúc em 7, 8 tuổi em bắt đầu phụ ba em (PV: khoảng năm 1980 sau giải phóng). Kinh tế lúc đó khó khăn nên không có ai có tiền mua violon để chơi. Một tuần lễ thì lại cúp điện vài ba ngày. Lúc đó trong xóm người ta tụ tập nhau đàn hát, chơi đàn guitar là chủ yếu. Từ đó em có ý nghĩ mình nên làm đàn guitar để sinh sống vì nhu cầu nhiều hơn. – Cây đàn guitar đầu tiên của anh sản xuất như thế nào, năm nào, và cho nó ra đời ra sao?

– Em làm được cây đàn guitar đầu tay năm em 16 tuổi (PV: khoảng năm 1989). Người mua hiện tại vẫn chơi cây đàn đó. Ba em làm đàn violon và sửa piano là chính, ổng không thích đàn guitar và chỉ làm đàn guitar vì kế sinh nhai. Lúc em bắt đầu làm đàn guitar thì Ba em không cho làm. Ba em nói đàn guitar nó như “ếch ngồi kêu ở đáy giếng” so với Piano hay Violon. Thời đó, tiếng guitar từ xóm làng bên văng vẳng bên tai em gần như hằng đêm. Không sang trọng và hàn lâm như tiếng đàn piano hay violon nhưng nó mộc mạc, gần gũi. Các bản bolero được các « nghệ sĩ không chuyên» trong xóm ca hát hàng đêm nên em dần cảm nhận được cái hay, cái đẹp của đàn guitar. Từ đó em có đam mê tự làm riêng cây đàn cho mình.

Ngoài ra, thực tế nhu cầu về guitar hơn những nhạc cụ khác tại thời điểm đó nên em tiếp tục làm, học hỏi và từ từ chuyển qua làm guitar luôn. Riêng ba em vẫn làm đàn violon và sửa đàn piano đến lúc mất. – Từ cây đàn đầu tay đó cho đến bây giờ, anh làm được bao nhiêu cây rồi?

– Năm nay em 44 tuổi. Tính ra cũng mấy chục năm làm đàn. Làm nhiều quá không nhớ nổi. – Sau khi sản xuất ra đàn guitar, anh thâm nhập thị trường bằng cách nào để bán?

– Lúc đầu em cứ làm rồi bán bình thường rồi mọi người giới thiệu nhau. Người này mua rồi giới thiệu người khác đến. Ngoài ra thì không quảng cáo gì hết. – Anh thành lập xưởng này năm nào?

– Trước đây em làm với ba em ở Thị Nghè. Em về quận 9 này cũng được gần 20 năm rồi. Ngày xưa Ba em lấy tên xưởng (tên thương hiệu) là Myriam, tượng trưng cho tên của Mẹ Maria, nhưng sau đó Ba em nhường cái thương hiệu đó cho người khác. Đến phiên em thì không còn cái thương hiệu đó nữa. Sau đó em tự lấy tên là Ân Guitar.

– Trong xưởng này có bao nhiêu thợ làm việc? – Em có 9 thợ, em nữa là 10.

– Anh có thể kể về các công đoạn sản xuất cây đàn guitar như thế nào không? – Làm ra cây đàn thì không khó, nhưng không dễ làm ra cây đàn đúng kỹ thuật, hình thức đẹp, âm thanh hay theo sở thích yêu cầu của người chơi. Cây đàn guitar là tổng hòa của nhiều yếu tố. Chỉ cần sơ suất một công đoạn sẽ làm cây đàn trở nên không « hoàn hảo », thậm chí bị hư phải phá bỏ đi.

Đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ yêu cầu của khách hàng về cả hình thức cây đàn cũng như âm thanh của nó. Từ đó mình lựa gỗ và kỹ thuật phù hợp. Các bộ phận đàn được lựa chọn từ nhiều loại gỗ. Mỗi loại gỗ cho xu hướng âm sắc khác nhau. Tiếp theo mình thực hiện các công đoạn mộc để làm thành cây đàn thô. Cây đàn thô được hoàn thiện để cho sắc nét, tiếp nữa là đánh bóng, ráp ngựa, ráp khóa, ráp dây, hiệu chỉnh, tinh chỉnh và kiểm tra trước khi giao cho khách hàng. Về gỗ, nhờ có bạn ở nước ngoài làm bên ngành gỗ nên em có thể mua nguyên cả một khối gỗ, những bi gỗ lớn. Mang về em tự cưa. Cưa được miếng gỗ tốt thì mình sử dụng cho cây đàn giá cao. Miếng xấu hơn thì làm cho cây rẻ hơn.

– Tôi thấy một số xưởng đàn chỉ có một hai thợ làm đàn. Sao mình có nhiều thợ vậy?

– Sở dĩ tại sao có nhiều thợ là vì em muốn tận dụng nguồn gỗ và tạo ra nhiều phân khúc sản phẩm để phù hợp với thị trường hơn.

Nói tiếp về gỗ, nếu mua gỗ xẻ sẵn từng bộ như trên mạng người ta bán (PV: gỗ xẻ sẵn của toàn bộ các thành phần cấu tạo nên cây đàn, mua về chỉ ráp lại là xong.) về ráp thành cây đàn và sau đó bán thì tụi em không thể sống được vì gỗ bán theo kiểu đó rất mắc. Tuy nhiên nhiều lúc cũng phải mua gỗ từng bộ để làm theo nhu cầu của khách hàng.

Tất cả thợ thực hiện một số công đoạn dưới sự giám sát và kiểm tra của em nhưng một số công đoạn em phải tự làm. Với mỗi cây đàn tốt, phần lớn công việc em phải tự làm từ đầu đến cuối.

Hình 04: Các thợ guitar lành nghề đang thực hiện các công đoạn sản xuất.
Hình 05: Đích thân Ân Guitar sơn đàn trong phòng sơn thiết kế đặc biệt.

– Mẫu mã đàn mình có nhiều không?

– Trước đây trong giai đoạn khoảng năm 1995 đến năm 2010, em có làm gia công cho nước ngoài. Họ đưa mình bản vẽ rất nhiều để mình làm theo yêu cầu của họ. Nên em cũng học hỏi được nhiều về mẫu mã đàn trên thế giới. – Cái quan trọng nhất khi sản xuất ra cây đàn guitar là cái gì?

– Gỗ quyết định 50%, còn lại kỹ thuật 50%. Mình có giỏi đến đâu mà gỗ không tốt thì cũng không ổn. Nhưng nếu có gỗ tốt mà kỹ thuật không cao thì cũng không được. – Nói thêm về gỗ, lúc nãy anh nói là mình nhập gỗ từ nước ngoài, vậy nguồn gỗ trong nước thì sao?

– Các bộ phần của đàn guitar dùng nhiều loại gỗ khác nhau: Gỗ làm mặt đàn nên là gỗ có tỉ lệ khối lượng và độ cứng thấp. Đáp ứng yêu cầu này có gỗ vân sam (spruce – thông) và tùng (cedar). Gỗ Cedar bắt đầu được sử dụng để làm đàn từ thập niên 1950 do nguồn gỗ vân sam bị cạn kiệt sau chiến tranh thế giới. Các loại gỗ này mình buộc phải mua từ nước ngoài. Việt Nam có cây thông năm lá ở Đà Lạt (PV: là cây đặc hữu của Việt Nam) nhưng tiếc là âm thanh cây đàn là từ gỗ này không như kỳ vọng. Ngoài ra một số loại gỗ mềm khác cũng được dùng nhưng không phổ biến.

Gỗ làm bọc và hậu cho đàn có thể làm từ nhiều loại gỗ cứng. Từ cẩm Brazil (Nam Mỹ – Hiện tại đã cấm khai thác và mua bán do cạn kiệt), Cocobolo (Trung Mexico), Koa (Hawai), Ovangkol (Tây Phi nhiệt đới), Phong (gỗ Mapple – Bắc Mỹ), Óc chó (Walnut – Mỹ)… Có rất nhiều loại nhưng có thể nói Cẩm Ấn Độ là phổ biến nhất hiện nay do nguồn gỗ dồi dào. Việt Nam hiện có một số loại gỗ có thể làm bọc và hậu cho đàn như gỗ Hồng Đào, gỗ Điệp, gỗ Bằng Lăng. Các loại gỗ này khá phổ biến. Ngoài ra còn có các cây đặc hữu khác ở khu vực Đông Nam Á như Trắc, Cẩm lai, Cẩm Sừng, Cẩm Tím… Các loại gỗ này không danh tiếng như các loại gỗ nước ngoài nói ở trên có thể là do lịch sử phát triển cây đàn guitar là từ Châu Âu sang Châu Mỹ rồi mới đến Châu Á. Tại mỗi nơi, họ dùng gỗ địa phương để làm đàn và phát triển kỹ thuật làm đàn dựa trên nguồn gỗ địa phương đó nên lâu ngày thì tạo danh tiếng cho gỗ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay