“Vũ khúc Đông Dương” (bản nhạc đờn ca tài tử VN được học giả người Pháp Julien Tiersot ký âm) đang gây tranh cãi trong dư luận. Nghệ sĩ guitar Việt kiều Nguyễn Lê Tuyên công bố đó là bản nhạc “cổ nhất”(?) do ông tìm thấy ở Thư viện quốc gia Pháp tháng 3.2013 và nghiễm nhiên đưa vào cuốn sách của mình cả phần phục dựng quan trọng được cho là do nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (trái, ảnh) thực hiện mà không cần xin phép. PV Lao Động đã trao đổi với ông Bùi Trọng Hiền về vấn đề này
´ Xin ông cho biết vai trò của mình trong việc tái tạo bản “Vũ khúc Đông Dương”? “Đóng góp”của NS Nguyễn Lê Tuyên trong việc này là gì?
– Vũ khúc Đông dương (còn gọi Vũ điệu Đông Dương – VĐĐD) vốn là tên gọi một bản ký âm không hoàn chỉnh của học giả người Pháp Julien Tiersot, được cho là của ban nhạc tài tử Nam Bộ từng trình diễn ở hội chợ Paris năm 1900. Tháng 4.2013, tôi được Tuyên nhờ đánh giá và phục chế bản nhạc này. Bởi lẽ, bản ký âm đó vốn không có nhịp, phân chia thời gian âm nhạc rất lộn xộn và đặc biệt không biết được nó thuộc loại nào trong hệ thống các hơi (âm điệu cơ bản) của nhạc tài tử, nên không thể diễn tấu.
Sau đó, căn cứ trên hệ thống lý thuyết nhạc tài tử mà tôi đã nghiên cứu từ 20 năm trước, các công đoạn phục chế tái tạo được thực hiện. Trên cơ sở đó, người chơi đàn sẽ biết phải rung nhấn luyến láy theo nguyên tắc nào. Bên cạnh bản phân tích khoa học, tôi còn gửi Tuyên cả bản nhạc hiệu đính được chép trên phần mềm Encore, sẽ tự chơi ra giai điệu mô phỏng trên máy tính. Tiện thể, tôi cũng chuyển luôn hệ ký tự nhạc thanh từ do, re, mi… sang hò, xự, xang… để Tuyên hiểu mối quan hệ tương đối, cũng nhằm mục đích cho những ai quen hệ thống nhạc thanh dân tộc dễ nắm bắt khi diễn tấu nó.
Đóng góp của Tuyên ở đây có lẽ là việc anh ta phát hiện(?), nhờ được tôi tiến hành các thao tác nghiên cứu và đưa bản nhạc tái tạo cho các nghệ sĩ trình tấu, quảng bá. Còn việc coi đó là bản nhạc “cổ nhất” như báo chí tôn vinh là điều khá hài hước. Bởi lẽ, trước hội chợ Paris năm 1900, nền ca nhạc tài tử đã phát triển mạnh với cả một hệ thống bài bản được hình thành, kết nối từ phong trào đờn cây cuối thế kỷ 19.
Hơn nữa, cái tên VĐĐD là do người Pháp gán cho khúc nhạc đó, đâu phải là tên gọi một bản bài tài tử chính thống. Đó là chưa kể ngày nay, lấy gì làm bằng chứng để khẳng định Julien Tiersot đã ký âm trọn vẹn toàn bộ, để có thể coi đó như một bản nhạc hoàn chỉnh? Khoa học cần chính xác, sòng phẳng.
´ Trong cuốn sách “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối TK19 đầu TK20” mới xuất bản, được biết Nguyễn Lê Tuyên đã “công khai hóa” phần nghiên cứu của ông thành “của chung”?
– Trong cuốn sách đó, các nghiên cứu của tôi được sử dụng trong 2 đề mục từ trang 85 – 91, phần nói về bản VĐĐD. Đương nhiên, nội dung chính trong đó là những phân tích khoa học và những bản nhạc tái tạo mà tôi đã gửi cho Tuyên lúc trước. Ở đây, các nghiên cứu của tôi được sử dụng dưới 2 dạng: Vừa đạo tặc khoa học (chép nguyên văn hay “xào xáo”), vừa trích dẫn công khai với nhiều thủ thuật khá tinh vi.
´ Căn cứ vào đâu mà ông cho rằng những nghiên cứu mới nhất của ông Tuyên trong sách chính là công trình nghiên cứu của mình? Có bản gốc chứng thực của ông (hoặc đăng ký bản quyền tác giả) không?
– Đây là một chuyện dài và là bài học cay đắng. Hơn 2 năm trước, Nguyễn Lê Tuyên xin học tôi về lý thuyết âm nhạc dân tộc. Tôi dạy Tuyên bằng cái tâm của một thầy giáo trong nước dành cho một Việt kiều yêu quê hương, hoàn toàn miễn phí, đâu ngờ bị anh ta khai thác tôi để rồi ngấm ngầm “phấn đấu” trở thành “nhà nghiên cứu” nhạc tài tử như báo chí gần đây tôn vinh.
Ở đây, dù tôi chưa đăng ký quyền tác giả, nhưng mọi dấu vết trao đổi tài liệu qua email vẫn đủ để chứng minh rằng đó là nghiên cứu của tôi, chứ không phải của anh ta. Cách đây vài tháng, khi bị một GS người Mỹ vặn lại về nghiên cứu VKĐD, bí quá, Tuyên lại gọi điện cầu cứu tôi giải thích để anh ta còn… truyền đạt lại cho vị GS kia(!).
– Xin cảm ơn ông.
“Các nghiên cứu của tôi được sử dụng dưới 2 dạng: Vừa đạo tặc khoa học (chép nguyên văn hay “xào xáo”), vừa trích dẫn công khai với nhiều thủ thuật khá tinh vi… Đây là một câu chuyện dài và là bài học cay đắng!”